Phụ Nữ Mang Thai

Những Điều Lưu Ý Khi Lần Đầu Làm Mẹ

Mang thai lần đầu, mẹ còn biết bao điều bỡ ngỡ: Ăn gì, uống gì và làm gì để mẹ và con cùng khỏe?

Những Điều Lưu Ý Khi Lần Đầu Làm Mẹ -1 

Những Điều Lưu Ý Khi Lần Đầu Làm Mẹ

Mang thai lần đầu, mẹ còn biết bao điều bỡ ngỡ: Ăn gì, uống gì và làm gì để mẹ và con cùng khỏe? Có vô vàn những thông tin, những lời khuyên mà bạn sẽ nhận được trong suốt 40 tuần thai, điều gì cần được quan tâm thực sự?

Dường như có hàng trăm, hàng vạn câu hỏi liên quan đến quá trình mang thai xuất hiện trong đầu mẹ. Từ việc ăn uống ra làm sao? Nghỉ ngơi như thế nào? Vận động sao cho vừa? Đau bụng khi mang thai có ảnh hưởng đến con?…Chỉ như vậy thôi cũng đủ khiến bầu thấy “chóng mặt”. Nhưng tất cả những điều đó cũng không cản trở được thiên chức làm mẹ, sự hạnh phúc khi có con bên cạnh sẽ giúp mẹ vượt qua mọi thứ. Những lời khuyên không thể bỏ qua dưới đây sẽ là hành trang tiện lợi để các mẹ mang thai lần đầu mang theo trong suốt hành trình 40 tuần yêu thương của mình.

Mang thai lần đầu sẽ là kỷ niệm khó quên suốt cuộc đời. Một vài sự chú ý đúng nơi, đúng lúc sẽ giúp trải nghiệm đó của bạn càng thêm hoàn hảo.

Những Điều Lưu Ý Khi Lần Đầu Làm Mẹ -2

1/ Những dưỡng chất quan trọng cho thai kỳ

Dưỡng chất đầu tiên mà mẹ cần bổ sung ngay từ khi dự định có thai và duy trì trong cả thai kỳ, đó là axit folic. Axit folic là vi chất không thể thiếu, có tác dụng ngăn ngừa dị tật ống thần kinh, tật nứt đốt sống ở thai nhi. Ba tháng đầu là giai đoạn rất quan trọng để hình thành nên các bộ phận của bé vì vậy bầu cần chú ý bổ sung thêm axit folic mỗi ngày. Những mẹ bầu nào mang thai lần đầu hãy chú ý hơn về vấn đề này nhé!

Tiếp đến, ngoài việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đủ các nhóm chất đạm (protein), bột đường và chất xơ (carbohydrate), chất béo, bầu cần tăng cường thêm những thực phẩm giàu chất sắt và canxi. Hai vi chất này được xem là nền móng vững chắc cho sự phát triển của thai nhi. Nếu đã có kế hoạch có thai từ trước, bầu có thể bổ sung trước khi mang thai khoảng 3 tháng và kéo dài đến lúc sinh con, cho con bú.

Nguyên tắc vàng trong dinh dưỡng cho bà bầu Những phụ nữ ăn tốt và tăng cân hợp lý sẽ sinh những đứa con khỏe mạnh. Vì thế nên ăn các thực phẩm tươi mới, ít chế biến và luôn hài lòng khi thấy cơ thể mình ngày một lớn hơn.

Những Điều Lưu Ý Khi Lần Đầu Làm Mẹ -3

2/ Cho phép bản thân nghỉ ngơi nhiều hơn

Nhiều mẹ mang thai lần đầu cảm thấy mình thật bất lực trước tác động của hiện tượng ốm nghén. Do những tác dụng phụ của thai nghén nên người mẹ thường hay cảm thấy mệt mỏi, cơ thể đau nhức. Vì vậy bầu cần dành nhiều thời gian thư giãn và nghỉ ngơi, hạn chế làm việc quá sức. Thời gian bầu bì là lúc mẹ được “ưu tiên” nhiều nhất vì vậy đừng ngần ngại nghỉ khi nào thấy mệt. Đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên vì đây là thời điểm có thể xảy ra nhiều nguy hiểm nhất đối với thai nhi.

Nói như vậy không có nghĩa là bầu được “lười” vận động đâu đấy. Thay vì cứ nằm trên giường mẹ hãy tạo cho mình một chế độ nghỉ ngơi kết hợp tập luyện vận động nhẹ nhàng. Việc làm này không chỉ giúp tinh thần thoải mái, lưu thông khí huyết, cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp bầu vượt cạn dễ dàng hơn.

3/ Tránh sử dụng thuốc khi không được kê đơn

Đau ốm là tình trạng không ai muốn gặp nhưng cũng không thể nào tránh, nhưng phụ nữ có thai cần đặc biệt cẩn trọng hơn trong việc dùng thuốc vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Đối với những mẹ mang thai lần đầu, kinh nghiệm và những thông tin tham khảo có thể vẫn chưa đủ để biết loại thuốc nào nguy hiểm, loại nào an toàn. Vì vậy nếu gặp bất cứ trường hợp nào bầu hãy gặp bác sĩ để được tư vấn dùng những loại thuốc phù hợp.

Mang thai đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch của mẹ trở nên kém hơn nên bầu cần chủ động giữ gìn sức khỏe, tránh để cơ thể nhiễm bệnh. Hãy tập thói quen rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bị bệnh, đến những vùng đang có dịch… Khi cơ thể khỏe mạnh đương nhiên bầu không cần phải dùng thuốc.

4/ Không để tinh thần “tuột dốc”

Những mẹ mang thai lần đầu thường hay bị tác động rất lớn về mặt tâm lý với nhiều lý do khác nhau chẳng hạn: Sự lo lắng quá mức đến sức khỏe của thai nhi, chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để làm mẹ, sợ mình sẽ không biết cách chăm sóc con sau khi sinh… Kết hợp với sự tăng giảm nội tiết tố bên trong cơ thể càng làm tình trạng người mẹ thêm nặng, mẹ có thể bị trầm cảm, buồn phiền, tủi thân và căng thẳng.

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, gây sẩy thai, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ sau này. Nên dù thế nào bầu cũng hãy giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan và thoải mái để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, tươi vui.

xem thêm bài viếtXem thêm: Những Điều Cần Biết Về Tiêm Ngừa Khi Mang Thai

Sống Khoẻ Mỗi Ngày ~

Các tin khác